Các loại dụng cụ cần thiết khi làm xà phòng handmade
- Cân gram.
- Máy xay sinh tố cầm tay.
- Nhiệt kế.
- Thố nhựa loại đáy sâu để khi đánh sản phẩm không bị bắn ra ngoài.
- Bếp hồng ngoại hoặc lò vi sóng, nếu được thì dùng bếp điện từ vì bạn có thể canh chỉnh được nhiệt độ của sản phẩm đang nấu và khuấy trong lúc làm.
- Muỗng nhựa, muỗng khuấy silicon, khuôn đổ bánh xà phòng.
- Găng tay, khẩu trang dùng 1 lần.
- Cồn 70o C, chén nhựa, khăn giấy, ống bóp, giấy PH.
Chuẩn bị trước khi làm: Khi làm mỹ phẩm, phải vệ sinh sạch sẽ dụng cụ trước khi làm bằng cồn 70o C. Thìa nhựa, thìa khuấy sillicon không được dùng chung giữa các bước. Phòng ốc làm mỹ phẩm phải sạch sẽ, thoáng khí.
Quy trình thực hiện
Chuẩn bị đầy đủ các nguyên vật liệu và dụng cụ cần thiết.
Cân lượng nước và xút theo công thức để riêng ra, sau đó đổ xút từ từ vào nước (không làm theo quy trình ngược lại).
Cân từng loại dầu, sau đó trộn chung trong nồi lớn đun đến khi dầu đạt nhiệt độ cần thiết 60o C - 70o C và các loại dầu đều hòa tan vào nhau xong thì bắc xuống. (Nếu chỉ dùng 1 loại dầu thì nấu cho âm ấm tầm 35o C - 40o C là được rồi)
Đổ nồi xút vào dầu. Lưu ý không làm theo quy trình ngược lại và lúc đổ phải cân đối nhiệt độ cho xút và dầu đều tầm 35o C -40o C và nhiệt độ dầu với xút không chênh nhau quá 5o C. Dùng máy xay sinh tố cầm tay xay đến khi thấy hai dung dịch trộn đều nhau, đục và tạo vệt rồi thì ngưng. Cho tiếp hương liệu, phụ gia vào trộn nhanh tay rồi bỏ ra khuôn.
Lưu ý giai đoạn này khá quan trọng vì nó quyết định 80% thành bại của mẻ xà phòng:
1/ Nếu đánh quá ít hỗn hợp sẽ loãng và không đông khuôn, phá thể, lâu xà phòng hóa. Còn đánh quá kĩ hỗn hợp sẽ đông quá nhanh không kịp trộn phụ gia hay smooth khuôn. Đánh vừa vừa sệt sệt như sữa chua là vừa tầm.
2/ Nhiệt độ quá cao không giúp xà phòng hóa nhanh hơn chút nào mà còn phá thể, xút và dầu đặc cứng lại, quánh dẻo và toàn mùi xút.
Sau khi đánh xong bạn đổ ra các chén nhỏ pha phụ gia + màu tùy thích rồi đổ khuôn (Có thể đổ nhiều tầng màu sắc khác nhau cho đẹp), bạn nẩy nhẹ khuôn cho bánh nổi hết bọt lên trên và bề mặt thật mịn và đậy nắp (hoặc không)
Sau 1 - 2 tiếng là bạn có thể cắt bánh thành lát nhỏ (do bánh còn mềm nên dễ cắt), gói bánh trong màng cuốn nilong dành cho thực phẩm để bảo quản sạch và giữ hương. Bánh tiếp tục ủ 4 - 6 tuần sau mới sử dụng được